LÃNH THỔ VĂN LANG VÀ NGƯỜI ÂU VIỆT
Lĩnh Nam chích quái chép : "Vào đời vua Thành Vương nhà Chu (1109 TCN), Hùng Vương sai bề tôi tự xưng là họ Việt Thường đem chim bạch trĩ sang cống".
Trước đó, sử Tàu viết, đời vua Nghiêu (2353 trước CN) hoàng tử Việt Thường dâng vua Nghiêu một con Thần Quy có 3 chân, trên lưng có khắc chữ Khoa Đẩu, vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy lịch.
Thần quy đem tiến Đào
Đường
Bắc Nam từ ấy giao bang là đầu
Đại Nam Quốc sử diễn ca.
Trong sách Địa dư Nguyễn Trãi viết : "Thuận Hóa cổ, Việt Thường bộ".
Theo khảo cứu của ông Aurousseau dựa trên các khai quật của Viện Viễn Đông Bác Cổ năm 1927-1928 thì lãnh thổ nước ta vào đời Tần (Tàu) kéo dài đến nam đèo Hải Vân.
Tiền Hán chí và Sử ký Tư Mã Thiên cũng chép rằng Triệu Đà từng kéo quân vào tận đây và được đổi thành Tượng quận hay quận Tượng Lâm, nhưng với truyền thống viết sử đề cao Hán của các sử gia người Hán thì giả thiết này khó tin, Triệu Đà vào Văn Lang sâu nhất chỉ đến vùng Tiên Sơn - Bắc Ninh ngày nay. An Dương Vương cắt đất cầu hòa, Đà rút về Phiên Ngung và cho con là Trọng Thủy sang ở rể.
Tượng Lâm không được nhắc đến trong vài thế kỷ, cho đến năm 220, Khu Liên tù trưởng của một dân tộc dũng mãnh, thiện chiến nổi lên giết huyện lệnh lập nên nước Lâm Ấp sau này đổi tên thành Chiêm Thành. Kinh đô đóng ở Lâm Ấp tức là Huế bây giờ.
Mảnh đất này trong nhiều thế kỷ là một nơi tranh giành đẫm máu giữa hai dân tộc Việt và Cham, trở nên một mất một còn. Cho đến năm 1252, miền đất này vĩnh viễn mới trở về Đại Việt bởi một người đẹp, Công chúa Trần Huyền Trân, mất 2 châu Ô, Lý là bước đầu tiên dẫn đến suy tàn của Chiêm Thành.
Những giả thuyết cho rằng người Việt Nam là một trong những tộc người bị Hán xua đuổi chạy xuống phía nam cũng không còn đứng vững. Các nghiên cứu đều cho thấy vùng đất này là dân bản địa, có một nền văn minh rực rỡ Đông Sơn khi mà cả châu Âu lúc đó mới là thời kỳ Tân Thạch, có nền văn minh nông nghiệp, có phong tục, trang phục riêng, họ có thể bắt đầu từ 2 sắc tộc gần gũi nhau là Âu Tây và Lạc Việt. Sử ký Tư Mã Thiên chép :"Tiễn phát, văn thân, thác tý tả nhậm, Âu -Việt chi dân dã"- Cắt tóc, vẽ mình, khoanh cánh tay khép tà áo trái, chính là dân Âu Việt.
Đất Việt giang tay đón những người từ Bắc chạy xuống, từ Đông vào, từ Tây qua, hòa trộn với sắc dân trên đường Nam tiến để làm nên người Việt Nam, giống như một Hợp chủng quốc vậy. Chỉ có miền đất nào đặt con người ngang với Trời, Đất thì mới xứng là nơi ở của Đế.
TỪ LÃ GIA ĐẾN HAI BÀ TRƯNG (Tiếp theo)
Hán Vũ Đế học vua Tần ngày trước phong Lộ Bác Đức làm "Phục Ba tướng quân", Dương Bộc làm " Lâu thuyền tướng quân", một đại tướng là Nghiêm (không rõ họ hay tên) làm " Qua thuyền tướng quân", một đại tướng là Giáp và tướng Hầu Quý theo 5 đường ngày xưa của Đồ Thư vượt 5 ngọn Ngũ Lĩnh tiến về Phiên Ngung.
Hán vẫn ngại dân Việt giỏi thủy chiến " dân Âu Việt dùng thuyền, lấy mái chèo làm ngựa, đi nhanh như gió"- Hán thư. Các chức như "Phục ba tướng quân"- tướng hàng phục sóng, lâu thuyền tướng quân (thuyền có lầu) , qua thuyền tướng quân (thuyền có gắn lưỡi mác để chống cá sấu) để tỏ ý khắc chế.
Cánh quân của Dương Bộc vào được Quảng Đông đánh úp kho lương của Lữ Gia, bắt sống 2 vạn tù binh, rồi hợp với các cánh quân khác kéo về vây thành Phiên Ngung. Trận này đã làm cho quân Nam Việt tan rã. Lộ Bác Đức tha hết tù binh, bắn tên mang thư vào thành kêu gọi đầu hàng sẽ tha chết. Lã Gia chỉ còn 200 quân túc vệ mang Kiến Đức chạy trốn nhưng bị một viên quan tên Thôi Hoàng bắt sống mang nộp cho Hán, vua tôi đều bị chém đầu. Triều đại Nam Việt của Triệu Đà chấm dứt từ đây sau 97 năm.
Âu Lạc nghe tin phái 2 sứ giả mang 100 con trâu, 1.000 hũ rượu đến khao quân, mang theo cả sổ dân đinh 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân nộp cho Lộ Bác Đức. Viên tướng người Hán phong 2 sứ giả làm thái thú 2 quận cho quay về vẫn cai trị theo lối cũ.
Vậy là, Nam Việt bị tiêu diệt, các đơn vị hành chính được chia lại, các quan người Hán cai trị theo lối Hán nhưng Âu Lạc vẫn giữ được thể chế của mình. Có lẽ đây là thời kỳ đầu tiên dân Bách Việt ở Mân, Việt Tây (lưỡng Quảng) di cư vào Lạc Việt để trốn sự hà khắc của nhà Hán.
Cho đến tận năm 02, 03 sau Công nguyên mới có 2 viên quan người Hán là Tích Quang và Nhâm Diên sang làm thái thú Giao Chỉ và Cửu Chân. Các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng đây là thời kỳ đầu tiên mà Hán can thiệp vào Việt, nhưng theo Cha Cadière (một cha thuộc dòng thừa sai và là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu Việt Nam) và ông Maspero thì mọi chuyện bắt đầu từ Mã Viện, khi hắn ta xóa hết cách cai trị của Lạc hầu, Lạc tướng.
Sử gia Lê Văn Hưu bàn về Lã Gia :
" Lã Gia can ngăn Ai Vương và Cù thái hậu đừng làm chư hầu nhà Hán, đừng từ bỏ quan ải ở biên cương có thể là người trọng nước Việt. Nhưng ngăn mà không nghe, theo lẽ phải thì Lã Gia nên đem quần thần vào tận triều đình, bày tỏ tận mặt về sự lợi hại. Một đằng là tôi nhà Hán, một đằng là vua nước Việt. Bằng chẳng theo nữa thì theo Y Doãn, Hoắc Quang lựa lấy một người con của Minh Vương lên làm vua khiến Ai Vương cũng như Thái Giáp, Xương Ấp Vương giữ toàn được tính mạng thì lui tới đều không có lỗi.
Nay Lã Gia thí vua để thỏa lòng oán giận riêng lại không cố chết mà giữ nước khiến nước Việt tan rã làm tôi nhà Hán thì Lã Gia không tránh sao cho khỏi tội chết".
Đó là chính sử, và quan niệm của sử gia đã nhuốm màu Tống Nho hủ bại, mặt khác có một mong muốn bàng bạc suốt các triều đại Việt là tiến vào Trung Nguyên, chiếm lấy lưỡng Quảng đến tận Ngũ Lĩnh (Lĩnh Nam), việc nhận Triệu Đà là vua Việt cũng có vẻ như tìm kiếm sự chính danh cho việc đó. Rõ nhất là khi Lý Thường Kiệt đánh Ung, Khâm, nhuộm máu, chém chục vạn thủ cấp làm cho người lưỡng Quảng mãi còn run rẩy khi nhắc đến. Nhưng có lẽ nhà chính trị thiên tài này cũng nhận thấy điều gì đó nên sau khi " đánh Tống" lại quay về "bình Chiêm". Lý Thường Kiệt là người đầu tiên sau khi đánh Chiêm không rút về mà đo vẽ địa đồ vùng Quảng Bình, đưa dân Thăng Long vào lập ấp, cuộc Nam tiến đầu tiên.
Còn huyền sử của dân chúng thì sao? Người Âu Lạc nói rằng Lã Gia là người Lạc Việt, quê Nam Định. Làng Côi -Nam Định thờ ông làm Thành hoàng. Có câu :
Làng Côi thờ đầu
Làng Hào thờ cổ
Làng Hổ thờ chân.
Truyền thuyết kể rằng, Lã Gia bị quân Hán đuổi đến làng Côi thì bị chém đầu, ông giữ thủ cấp nguyên trên cổ, phóng ngựa qua làng Hào, đến làng Hổ mới lăn xuống chết. Dân gian kể thêm khi qua làng Hào, gặp một bà lão, ông hỏi : "Đầu lìa khỏi cổ còn sống được không?" Bà lão trả lời : " Đầu đã rời cổ làm sao sống được". Lã Gia nghe vậy cố đánh ngựa chạy đến làng Côi thì đầu rơi ra mà chết.
Đến đây ta bắt đầu gặp "huyền sử" hay còn gọi là "sử hàng dọc"- Một khái niệm mới ra đời từ phương Tây trong việc tìm hiểu lịch sử từ những thời gian quá xa xôi, mờ ảo dựa vào cơ cấu học.
Sử hàng ngang hay sử khoa học dựa vào sự duy lý chú ý đến các sự kiện có thật nên có thể ghi được ngày tháng, địa điểm cụ thể gắn với các cá nhân có thật.
Sử hàng dọc theo cơ cấu luận thì vận hành bởi tiềm thức nên không thể hiện với một cá thể, do đó không thể ghi thời gian, địa điểm nhưng vẫn được gọi là sử vì có thật mà không thực (vraie mai iriséelle).
Cụ thể hơn một chút sử hàng dọc là sơ nguyên tượng tức là một dạng thức phổ biến còn nằm trong tiềm thức ( lý tưởng) nhưng chưa hẳn đã có ai hiện thực được nó (mong muốn).
Như vậy ta có thể hiểu rằng không cần phải tin rằng Lã Gia là người Nam Định, không cần chứng minh cái chết của Lã Gia là phản khoa học. Các nhân vật huyền sử chỉ biểu hiện một vài tác động để nhắn gửi một thông điệp nào đó. Ví như Đế Minh không phải là người cụ thể mà là một sơ nguyên tượng đi tìm ánh sáng (tuần thú phương Nam), lấy vợ phương Nam gọi là gặp Vụ Tiên trên núi Ngũ Lĩnh thì phải hiểu rằng đã gặp một nền văn hóa đi theo thuyết Ngũ hành.
Vì thế theo cơ cấu nói sử hàng ngang đưa thông tin nhiều hơn giải nghĩa còn sử hàng dọc giải nghĩa nhiều hơn cung cấp thông tin -(Simonis trang 142).
Hay nói cách khác muốn nghe chuyện thì đọc sử hàng ngang, muốn hiểu chuyện thì đọc sử hàng dọc. Dạy đời những bài học lịch sử chính là sử hàng dọc vì các sơ nguyên tượng luôn có khả năng phục hồi. Còn sử hàng ngang bám chặt vào các sự kiện cụ thể, không gian cụ thể, thời gian cụ thể, con người cụ thể nên bất khả phục hồi " Không ai tắm hai lần trên một giòng sông"
Ta sẽ còn gặp lại nhiều lần các sơ nguyên tượng lặp lại trong việc nghiên cứu lịch sử Việt, hy vọng nó sẽ dần trở nên dễ hiểu.
Kể thêm một chuyện về Lã Gia. Chùa Thầy Sài Sơn có thờ Lã Gia,
trên núi Bích Tập trước cửa đền có một khoảng đất bằng phẳng tương truyền là
nhà đọc sách của Lã Gia, có trồng trúc nên còn gọi là vườn trúc.
Có bài thơ chữ Hán :
Độc thư sơn xá trúc phong thanh
Thử địa thiên thu Lã tướng danh
Ái quốc tư diêu thần Hán vị
Tiêm Cù nghĩa thư tuyệt Khương kinh
Kiến Nguyên võ liệt tâm phong chiếu
Trần, Lý nhung công thuộc ứng linh
Thanh khiếu phong hào thâm dạ ác
Đương niên truyền hịch xuất quân thanh
Tạm dịch nghĩa :
Nhà đọc sách trên núi có tiếng gió đưa cành trúc. Đây là nơi ngàn thu còn lưu danh Lã tướng quân. Một lòng yêu nước không thần phục nhà Hán. Vì thủ nghĩa mà giết Cù Thị như chuyện nàng Tề Khương. Lòng thấy thẹn nhận chức phong Kiến Nguyên của Hán vì mình vốn dòng võ liệt. Nhà Trần nhà Lý với chiến công oanh liệt cũng nhờ tinh thần này. Hang đá đêm khuya nghe gió gào thét. Tưởng như năm nào tờ hịch truyền, quân sỹ nô nức hưởng ứng.
Có sử gia nói, từ Lữ Gia mà có Hai Bà Trưng chính là hiểu theo sử hàng dọc vậy
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét