Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

LƯỢC SỬ THỜI BẮC THUỘC ( 1 )

Vì khuôn khổ cũng như tính năng của facebook, những bài viết thế này chỉ là điểm lại những sự kiện, luận điểm khác với quan niệm lịch sử từ trước cho đến nay rằng, nước ta đã bị Tàu đô hộ 1.000 năm. Nó không phải là một công trình khảo cứu cần sự đóng góp của nhiều người.

Cũng chưa bao giờ, kể cả trong cái gọi là "ngàn năm Bắc thuộc" trừ gần 20 năm đô hộ của nhà Minh nước ta bị phụ thuộc và bị bắt nạt bởi người hàng xóm đến như vậy.

Nhìn lại lịch sử để thấy tinh thần độc lập, tự cường của dân ta từ thời Hùng Vương chưa bao giờ ngưng nghỉ, xin lấy một nhận xét của một học giả thực dân là ông Paul Mus trong cuốn "Sociologie d'une guerre", tạm dịch :
" Theo các kết quả nghiên cứu thì đất ấy(VN) không phải là một quận huyện mới của nước Tàu, mà rõ ràng là một Quốc gia riêng, có một tinh thần riêng của nó,không sao khuất phục được".

BÁCH VIỆT

Sau khi thống nhất nước Tàu, Tần Thủy Hoàng chia đất nước thành 36 quận, huyện. Địa giới nước Tàu bắt đầu từ dãy Ngũ Lĩnh còn gọi là Lĩnh Nam lên phía Bắc ( theo Aurousseau). Sử ký Tư Mã Thiên cũng viết : " Nam hữu Ngũ Lĩnh chi thú"- Phía Nam có dãy Ngũ Lĩnh là nơi đồn thú. Các dân tộc phía nam Ngũ Lĩnh được gọi là Bách Việt từ đây, theo cổ sử Tàu thì các dân tộc từ nam sông Dương Tử đến Ngũ Lĩnh được gọi là Viêm, Mân hay Kinh Man (nước Sở)

Dãy Ngũ Lĩnh bắt đầu từ Thành Đô (Tứ Xuyên) qua nam Trùng Khánh đến Lâm Châu, Nam Xương rồi đổ ra bể. Như vậy nước Tàu vẫn được tô vẽ là thống nhất trong thời Tần Thủy Hoàng vẫn còn nhỏ xíu, biên giới phía bắc là Vạn lý trường thành cũng chỉ cách Bắc Kinh ngày nay khoảng 60km, kinh đô Tàu lúc đó là thành Hàm Dương - Thiểm Tây.

Triệu Đà đã khôn khéo lợi dụng điểm này, theo lời khuyên của Nhâm Ngao, mang quân chẹn các ngọn đèo có thể vượt qua Ngũ Lĩnh (5 đèo) chặn quân Hán, lấy đất phương Nam xưng đế lập nên nước Nam Việt.

Nhà Hán sau này rút kinh nghiệm, không lấy Ngũ Lĩnh làm biên giới mà tuyên bố tất cả đất phía nam Ngũ Lĩnh đều là quận huyện của Tàu, như hiện nay Bắc Kinh vẽ đường 9 đoạn rồi tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ nước Tàu không thể chối cãi.

Cả đời Triệu Đà cũng như con cháu ông ta đều đóng đô ở Phiên Ngung, sao lại có thể là vua của cả Âu Lạc?

Sử ký Tư Mã Thiên chép : Năm thứ 33 đời Tần thủy hoàng đế (221 trước Công Nguyên) vua Tần sai Đồ Thư đi đánh Bách Việt, quân đội được chia làm 5 đạo vượt qua 5 ngọn đèo dãy Ngũ Lĩnh.
Đạo quân thứ nhất vượt qua ngọn thứ 5 của Ngũ Lĩnh vào Quảng Tây.
Đạo quân thư 2 vượt ngọn thứ 4 vào Đông Bắc Quảng Tây.
Đạo quân thứ 3 vượt ngọn núi thứ 2 vào Quảng Châu.
Đạo quân thứ 4 vượt ngọn núi thứ nhất vào Bắc Quảng Đông .
Đạo quân thứ 5 vượt ngọn núi thứ 3 dễ dàng chiếm được Phúc Kiến lập ra quận Mân (Mân Châu).

Triệu Đà là một tướng trong đạo quân này, khi Nhâm Ngao được phong chức huyện lệnh thì Đà làm huyện úy.

Khi tiến vào vùng của Âu Tây (nam Quảng Tây) và Lạc Việt (Bắc và Trung Việt ngày nay lúc đó kéo dài đến nam đèo Hải Vân giáp Lâm Ấp) thì quân Tần gặp phải sự chống trả kịch liệt. Người dân chọn những nhân vật tuấn kiệt làm thủ lĩnh, vào rừng đánh du kích, tiêu diệt hàng chục vạn quân Tần làm cho Đồ Thư phải ôm đầu máu rút chạy. Một trong những nhân vật tuấn kiệt đó là Thục Phán, ông được dân Âu Tây và Lạc Việt tôn làm thủ lĩnh, sát nhập Âu Tây và Văn Lang (của dân Lạc Việt) thành nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa và xưng là An Dương Vương.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét