TỪ LÃ (LỮ) GIA ĐẾN HAI BÀ TRƯNG
Sau khi Triệu Đà chết, cháu nội là Hồ Văn lên nối ngôi hiệu là Triệu Văn Vương. Hồ Văn là con của Mỵ Châu và Trọng Thuỷ, ở ngôi được 12 năm (137-125 TCN). Người Tàu ở Lưỡng Quảng gọi Hồ Văn là Triệu Mạt, lăng mộ của ông hiện còn ở thành phố Quảng Châu (Phiên Ngung xưa) vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn (ai muốn tìm hiểu thêm về thiên tình sử Mỵ Châu - Trọng Thủy có thể đến đọc tấm bia đá ở đây).
Thái tử Anh Tề được gửi sang Hán làm con tin về nối ngôi lấy hiệu là Triệu Minh Vương. Minh Vương cũng ở ngôi được 12 năm (125-113 TCN) thì chết, thái tử Hưng còn nhỏ lên nối ngôi hiệu là Triệu Ai Vương, Hoàng thái hậu là Cù Thị nhiếp chính.
Nam Việt, nhất là quận Giao Chỉ và Cửu Chân vẫn nổi tiếng là vùng đất trù phú, nhiều ngọc trai, ngà voi, sừng tê, trầm hương... luôn là nỗi thèm khát của các vua Tàu. Hán Vũ Đế cũng có âm mưu này.
Khi còn ở Hán, thái tử Anh Tề lấy Cù Thị là người Hán, một gái lầu xanh ở Hàm Đan, dù đã là vợ Anh Tề nhưng Cù Thị vẫn say đắm một người Hán khác là An Quốc Thiếu quý. Hán Vũ Đế sai An Quốc Thiếu quý làm sứ thần sang Nam Việt để thuyết phục Cù Thị và Ai Vương thần phục Hán. Lúc đó trong triều có tể tướng Lã Gia rất có thế lực, 70 người con cháu của ông đều nắm các chức vụ trong triều, con trai lấy công chúa, con gái lấy hoàng tử, con gái đầu lòng lấy con vua Tần ở Thương Ngô. Hán Vũ Đế biết vậy nên tìm cách mua chuộc ông gửi một chiếc ấn bạc và phong tước Kiến Nguyên.
An Quốc Thiếu quý gặp Cù Thị, tình cũ mặn nồng, 2 người bàn cách để Nam Việt thần phục Hán.
Cù Thị mở một bữa tiệc mời Lã Gia, nhưng khi bàn thì Lã Gia không đồng ý. Cù Thị nói :"Nam Việt thần phục Hán triều là hồng phúc, sao tướng quân lại ngăn cản?" Lã Gia tức giận bỏ đi, Cù Thị vơ lấy ngọn giáo định đâm ông nhưng Ai Vương cản lại.
Lã Gia bàn với triều thần giết Cù Thị và An Quốc Thiếu quý mà vẫn giữ Ai Vương, bàn đi bàn lại suốt 2 tháng mà chưa quyết định, tin tức về đến nhà Hán, Hán Vũ Đế vội sai Cù Lạc là anh Cù Thị cùng với Hàn Thiên Thư lãnh 2 đạo quân sang Nam Việt để hỗ trợ cho mẹ con Cù Thị.
Lã Gia nghe tin ra yết thị bố cáo với dân chúng :
"Vua còn ấu trĩ, Hoàng Thái Hậu dòng dõi Hán tộc, gian dâm với sứ Hán, muốn đem dâng nước cho Tàu. Bảo vật trọng khí của tiên quân đều đem biếu sứ Tàu cả. Cù Thị muốn khuất phục cả một triều đại, không còn nghĩ đến xã tắc giống nòi".
Lã Gia đem quân giết An Quốc Thiếu quý, Cù Thị và Ai Vương, sai con rể là Tần vương lập hoàng tử Kiến Đức con bà Thuật Dương lên ngôi. Bà Thuật Dương người Giao Chỉ.
Cù Lạc và Hàn Thiên Thư kéo quân đến biên giới nghe tin phải quay về. Hán Vũ Đế tức giận, sai Lộ Bác Đức và Hàn Thiên Thư đi đánh Nam Việt.
Năm xưa tướng Tần Đồ Thư cũng dẫn 5 đạo quân vượt Ngũ Lĩnh đánh Nam Việt thành công, nhưng vào đến Lạc Việt thì thảm bại và bỏ xác. Nhưng thành công của Đồ Thư là nhờ một người Việt, một kỹ sư và cũng có thể gọi là tên Việt gian đầu tiên mở đường cho Hán tộc Nam chinh. Người đó có tên là Giám Lộc.
Lộc được giao việc vận chuyển tiếp tế quân lương, thời đó tiến về phía nam phải vượt qua cả ngàn dặm rừng núi nên quân lương là vấn đề sống còn, và, để vận chuyển cần một lực lượng phu phen đông đảo có khi còn đông hơn cả quân lính, liên hệ tới thời sau này, mẹ tôi kể nếu dân công mà gánh gạo từ đồng bằng Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ thì đến nơi cũng ăn gần hết số gạo mang theo (nên về sau phải thành lập các đội xe đạp thồ). Như vậy việc nuôi cả đạo quân hàng chục vạn người vào đến Âu Lạc là việc bất khả thi (sau Đồ Thư, nhà Tần đem cả chục vạn tù nhân, du đãng vô gia cư vào vùng nam Ngũ Lĩnh để khai khẩn, nó cũng là điều thuận lợi cho Nhâm Ngao và Triệu Đà xâm lược vùng này rồi lập nên Nam Việt).
Giám Lộc đã làm được một việc kỳ diệu vào thời đó. Đi khảo sát Ngũ Lĩnh, Lộc phát hiện một con suối bắt nguồn từ Dương sơn(một ngọn Ngũ Lĩnh)thuộc Phiên Ngung chảy đến bắc sông Tương rồi chảy vào sông Sở Dung hợp với hạ lưu sông Tường Kha rồi chảy ra biển. Ông nảy ra ý định đào một con kênh nối sông Tương và sông Ly. Con kênh này đắp bằng đá có độ cao hơn mặt sông, để dẫn nước lên cao, Lộc cho đắp một con đập ngăn sông Tương, khơi một dòng chảy ngược lại đổ vào con kênh đã đắp dài 60 dặm, trên đoạn kênh này đắp 36 con đập có cửa cống gọi là thủy môn. Mỗi khi có thuyền cửa cống được đóng lại, nước dâng lên để thuyền nổi và vượt qua rồi lại đi xuống, cấu tạo giống như các âu thuyền qua các kênh đào ngày nay. Người Tàu coi Lộc Giám là người trời nên mới làm được như vậy, vì thế con kênh này được gọi là Linh Cừ.
Theo khảo cứu của ông Aurousseau thì Linh Cừ là kênh Hưng An ngày nay, bắt nguồn từ ngọn thứ 5 của Ngũ Lĩnh đến Quế Lâm và quận Hưng An nên được gọi là kênh Hưng An.
Đời Tần dùng kênh này, đến đời Hán, sau Lộ Bác Đức cả trăm năm, Mã Viện cũng được phong "Phục ba tướng quân" dùng kênh này để tiếp tế vận chuyển quân lương đánh Âu Lạc, các thời về sau mỗi khi xâm lược nước ta Tau cũng sử dụng nó để chuyển lương. Cho đến tận cuối thế kỷ 19, giặc Cờ Đen cũng xử dụng kênh Hưng An để tiếp tế cho đám quân quấy rối Bắc Việt.
Như vậy Giám Lộc là một thiên tài nhưng cũng là tên Việt gian đầu tiên "cõng rắn cắn gà nhà".
Lã Gia nghe tin quân Hán kéo qua tìm cách kháng cự. Ông nhử cánh quân của Lộ Bác Đức vào vùng hiểm trở rồi dùng chiến thuật du kích quấy rối và tiêu hao lực lượng địch. Mặt khác, tập trung toàn lực bất ngờ tấn công cánh quân Hàn Thiên Thư, quân Hán đại bại, Hàn Thiên Thư bị giết, Lộ Bác Đức phải lui quân. Hán Vũ Đế tức giận, học nhà Tần phong Lộ Bác Đức là "Phục ba tướng quân" cùng 4 tướng khác dẫn 5 đạo quân vượt Ngũ Lĩnh để báo thù.
(còn tiếp)
TỪ LÃ GIA TỚI HAI BÀ TRƯNG (Tiếp theo)
Bàn về Lã Gia, Ngô Thời Sỹ viết :
" Quân tử bàn người nên lấy từng đốt một.
Đến như bỏ hiểm yếu làm mất nước đành rằng Gia có tội với nhà Triệu.
Nhưng từ nhà Triệu đến nay (triều Lê) chưa có bao giờ ta thu trọn cả đất Ngũ
Lĩnh, nhìn thẳng tận mặt mà tranh với Tàu. Đó là chuyện còn phải đợi đến những
tay thánh hiền, hào kiệt sau này. Vậy cũng không đủ cho đó là tội của Lã Gia
được ".
Chà, thật là hào khí "thu trọn cả đất Ngũ Lĩnh" để hiên ngang đối mặt với Tàu, vậy thì cả ngàn năm kia có bao giờ dân Việt coi mình là "Bắc thuộc"?
Tại sao những vùng như Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt lại không thể phục quốc? Vì họ bị Hán hóa, bằng chính sách, bằng huyết thống và cao nhất là bị đồng hóa bởi văn hóa. Dù có thắng về mặt chính trị thì nền văn hóa thấp hơn sẽ bị nền văn minh cao hơn chinh phục, đó cũng là một quy luật phổ quát. Nhưng có đúng là Hán tộc văn minh hơn? Họ có truyền thống lấy văn minh của người làm của mình, cạo sửa, xuyên tạc rồi hoàn thiện nó hơn nhưng vấn đề này sẽ bàn sâu trong dịp khác.
Ta có thể xét qua các công trình của các tác giả Trung Quốc cận và hiện đại để hiểu thêm một phần nguồn gốc Hán tộc và con đường bành trướng của họ.
Sau kỷ băng hà thứ 4, khí hậu ấm áp lên, loài người bắt đầu rời các hang động trong dãy Thiên Sơn (tây bắc Tibet và tây Tân Cương), một nhóm đi về phía tây là thủy tổ của người da trắng, một nhóm đi về phía đông là thủy tổ của người da vàng. Năm 1952, tổ chức UNESCO của LHQ đã tài trợ cho một công trình nghiên cứu về nhân loại kéo dài đến 20 năm, kết luận khởi thủy của loài người là từ châu Phi, tôi đồ rằng đây là một kết luận mang tính chính trị, xoa dịu lục địa Đen chứ không phải là khoa học.
Theo các tác giả như Mộng Văn Thông với "Cổ nhân vi ba", Vương Đồng Linh "Trung Quốc dân tộc sử", Chu Cốc Thành với " Trung Quốc thông sử" vv... thì nhóm da vàng chia làm 2 phái, phía bắc có Mãn, Mông và Đột Quyết, phía nam có Viêm, Hoàng và Tạng.
Về sau Hoàng tộc xưng là Hoa tộc rồi lại Hán tộc (thực ra Hán chỉ là tên của một triều đại).
Viêm tộc còn gọi là Việt tộc vào Trung Nguyên đầu tiên theo sông Dương Tử (Trường Giang) khai thác vùng "Trường Giang thất tỉnh" gồm : Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang.
Sau đó khai thác vùng "Hoàng Hà lục tỉnh" gồm : Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Thiểm Tây, Cam Túc.
Cuối cùng nhóm phía nam lan xuống vùng "Việt Giang ngũ tỉnh" gồm : Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến .
Vậy là theo các tác giả TQ, người làm chủ Trung Nguyên đầu tiên là Viêm (Việt) tộc.
Cũng theo họ, Hoa tộc lúc đó cũng đã rời Thiên Sơn nhưng còn ở lại Tân Cương và cao nguyên Thanh Hải sống đời du mục vì lúc đó vẫn còn là "Phúc địa" chưa bị sa mạc hóa. Sau đó Hoa tộc tiến theo khuỷu sông Hoàng Hà chiếm đất Viêm tộc, trải qua 3 cuộc đại chiến, cuối cùng lãnh tụ Hoa tộc là Hiên Viên đã đánh thắng Viêm tộc dưới sự lãnh đạo của Si Vưu với trận Trác Lộc. Sách "Kỳ môn độn giáp toàn thư" có câu :
Tích
nhật Hoàng Đế chiến Si Vưu
Trác Lộc kinh kim vị nhược hưu
Tạm dịch : Ngày xưa Hoàng Đế đánh với Si Vưu, trận Trác Lộc tưởng như đến nay vẫn chưa dứt. Đến nay vẫn chưa dứt - chúng ta còn phải quay lại với điều này.
Sau chiến thắng này, Hiên Viên được Hoa tộc tôn làm Hoàng Đế. Vùng Hoàng Hà lục tỉnh trở thành cái nôi "văn minh Hoa Hạ". Theo Lữ Tư Miễn trong " Trung Quốc dân tộc chí" thì Hoàng Đế theo cách tổ chức của Viêm tộc chia 6 tỉnh này 9 châu như Cửu Lê của Si Vưu chọn 4 bộ lạc hùng mạnh nhất coi là đồng tộc gọi là "Tứ nhạc" để giữ tình cảm (các sử gia nước ta gọi là tứ hung vì sự tàn ác của họ).
Thế là các phát kiến của Viêm tộc cũng lọt vào tay Hoa tộc, sử Tàu đồng loạt chép các phát minh như : chính trị, võ bị, giao thông, nhà cửa, thiên văn, âm nhạc, y thuật, trồng trọt, tằm tang vv... đều là do Hoàng Đế nghĩ ra (thật là người Trời). Lịch sử Trung Hoa bắt đầu bằng một cuộc ăn cắp sở hữu trí tuệ.
Nếu nhìn theo cơ cấu của sử hàng dọc, ta cũng thấy những mảnh vụn còn lại trong thời kỳ này, ví dụ như trong ngôn ngữ, 18 tỉnh thời đó, chỉ có Hoàng Hà lục tỉnh (trung tâm Hoa tộc) gọi sông là "hà"- Hoa ngữ, còn lại 11 tỉnh vẫn gọi sông là "giang"-Viêm ngữ. Trong Kinh Thi có câu :
Quan
quan thư cưu
Tại hà chi châu
Thì chữ "hà" ở đây là chỉ cái cồn ở giữa sông, nước ta tất cả các con sông đều gọi là "giang", riêng sông Hồng thì lại dùng "hà" bởi con sông này có rất nhiều các cồn cát ở giữa dòng.
Việt Giang ngũ tỉnh bị đồng hóa ra sao?
Năm 138 TCN, viên thái thú Nghiêm Trợ lấy cớ có nạn đói di phần lớn dân Đông Việt (trung tâm là Chiết Giang) đến vùng Giang Hoài (lưu vực Dương Tử và Hoài Hà), 15 năm sau Đông Việt mất.
Mân Việt (trung tâm là Phúc Kiến) lấy cớ trị tội không cùng mang quân đi đánh Lã Gia, một phần lớn dân chúng cũng bị đưa đến Giang Hoài, còn Nam Việt, ngay từ thời Triệu Đà còn làm hiệu úy chưa chiếm đất xưng Đế, lấy cớ cần người may quần áo cho binh sỹ Hán tộc gửi đến hơn 2 vạn đàn bà Hán. Rồi vì văn hóa yếu hơn Nam Việt cũng bị chinh phục.
Chỉ còn Lạc Việt.
Sau khi đánh xong Nam Việt, Lộ Bác Đức chia làm 9 quận, rất giống Hiên Viên khi chiếm được đất Viêm tộc. Đọc sử theo kiểu hàng dọc ta rất hay bắt gặp những mảnh vụn như thế lặp đi lặp lại, nó làm nên một sự mạch lạc nội tại (thì mới được gọi là cơ cấu) và sử hàng dọc còn được gọi là "sử mệnh".
9 quận gồm : 1- Quận Nam Hải (Quảng Đông); 2- Quận Thương Ngô (Quảng Tây); 3- Quận Uất Lâm (Quảng Tây); 4- Quận Hợp Phố (Quảng Đông); 5&6-Quận Châu Nhai - Đàm Nhĩ (đảo Hải Nam); 7- Quận Giao Chỉ (Bắc Việt); 8&9- Quận Cửu Chân -Nhật Nam (Thanh Nghệ Tĩnh)
Gọi chung là Giao Chỉ bộ.
Ta lại gặp lại Giao Chỉ, thời Hùng Vương đất Văn Lang có 15 bộ thì Giao Chỉ bộ thuộc vùng Hà Nội - Hà Đông ngày nay. Giao Chỉ bộ được cai quản bởi Thứ sử Thạch Đán, đóng ở thành Long Uyên.
Thời Hán có 2 chức quan, Thái thú cai trị trực tiếp 1 quận, lương 2.000 thạch. Thứ sử giám sát chính trị, đốc thúc công việc của các Thái thú trong 1 châu hoặc dưới châu là bộ nhưng lương chỉ có 600 thạch. Nước ta được nâng thành châu thời Sỹ Nhiếp (Giao Châu).
Về thành Long Uyên, các sử gia cho rằng nó là thành Long Biên sau là Tống Bình rồi Đại La tức là Hà Nội ngày nay. Nhưng các ông Maspéro, Madrolle, Claeys, A. des Michells thì không đồng ý, các ông cho rằng đó là thành Liên Lâu. Nhưng thành Liên Lâu lại chỉ được nói đến vào thời Sỹ Nhiếp làm Thái thú. Nước ta đến tận năm 02, 03 Tây lịch mới có Tích Quang và Nhâm Diên sang làm thái thú Giao Chỉ và Cửu Chân, có lẽ cái gọi là Giao Chỉ bộ sở Long Uyên đó nằm trên đất Lưỡng Quảng.
Trong 30 năm làm Thái thú, Tích Quang, Nhâm Diên đã làm được gì? Sử Tàu chép, Tích Quang mở trường dạy lễ, nghĩa còn Nhâm Diên dạy dân ta cày bừa làm ruộng theo thủy triều, dạy cho hôn lễ (có lúc làm đám cưới cho cả ngàn người). Thời này không thấy ghi có cuộc " nổi loạn" nào lớn.
Như vậy, Tích Quang mở trường thực chất là đào tạo người bản xứ để làm tay sai, kiểu "trường đào tạo quan cai trị thuộc địa", sau này có Lý Tiến, Lý Cầm người Cửu Chân mà được làm thứ sử Giao Châu. Còn Nhâm Diên, Cửu Chân ngày đó phần nhiều là đồng bằng đầm lầy ven biển, nơi sinh sống của các bộ lạc còn lạc hậu, dân Lạc Việt lúc đó đã có một trình độ canh tác nông nghiệp rất cao từ thời Hùng Vương đâu cần phải dậy, vả lại Giao Chỉ khi ấy vẫn được duy trì chế độ Lạc hầu, như thế việc Nhâm Diên tập trung dân làm ruộng ven biển giống như kiểu Hợp tác xã nông nghiệp của cộng sản sau này, và đám cưới ngàn người thì cũng như các đám cưới tập thể của Công xã. (Thì ra sau này Mao học Nhâm Diên)
Như vậy, dù có Thái thú thì Bắc phương cũng chưa can thiệp vào chính trị của Lạc Việt, nó mất 30 năm chuẩn bị và sẽ bắt đầu với một tên tuổi rất quen thuộc với người Việt : Tô Định.
Năm 34 sau CN, Tô Định được cử sang làm Thái thú Giao Chỉ, và rất nhanh sau đó, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét