Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

LƯU TRỌNG LƯ : Tiếng thu ( 1939 )


TIẾNG THU – LƯU TRỌNG LƯ ( 1939 )
Lưu Trọng Lư (19/6/1912 – 10/8/1991) là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam, quê làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Ông học đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế thì ra Hà Nội làm văn, làm báo để kiếm sống. Ông là một trong những nhà thơ khởi xướng Phong trào Thơ mới và rất tích cực diễn thuyết bênh vực “Thơ mới” đả kích các nhà thơ “cũ”. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Văn hoá cứu quốc ở Huế. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV. Sau năm 1954, ông tiếp tục hoạt động văn học, nghệ thuật: hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1957, đã từng làm Tổng thư ký Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam. Ông mất tại Hà Nội. Con trai thứ chín của ông, Lưu Trọng Ninh cũng là một đạo diễn phim khá nổi tiếng của Việt Nam. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

HÔM QUA
Hôm qua bạn ạ! Ta chiêm bao:
Gò ngựa bên sông, dưới gốc đào;
Sớm ấy, đông qua đào chín ửng,
Ta trèo vin hái trên cành cao.

Đằng xa bỗng thấy đò em lại,
Sông lặng em bơi nhẹ mái chèo;
Lộng lẫy trong màu xiêm áo biếc
Như nàng Tiên nữ động Quỳnh Diêu.

Em ca theo điệu người sơn nữ
Cắt cỏ bên đồi, giọng líu lo.
Vùn vụt gió lên, tà áo nhảy;
Sóng xô, vỗ nhẹ dưới khoang đò.

Thấy ta ngừng hát, em cười lả;
Ta thưởng vất em một quả đào;
Ta ngỏ nhờ em đưa qua bến;
Em cười, ta vội xuống cây mau.

Than ôi! ngoảnh lại, biến đâu rồi!
Còn vẳng trên đồi giọng hát thôi.
Sao chẳng, em ôi! chầm chậm lại,
Cho tình duyên ấy gửi đôi lời...

Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh;
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi!
Muốn gọi tên nàng nhưng ái ngại;
Ngoài thềm lác đác bóng hoa rơi.

Nàng còn lưu lại chút hươg xa,
Tạ lòng ta tặng mấy vần thơ.
Thơ ta cũng giống tình nàng vậy,
Mộng, mộng mà thôi! Mộng hão hờ.

NẮNG MỚI
Tặng hương hồn Thầy Me

Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.

Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,
Lúc Người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng Me tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

THƠ SẦU RỤNG
Tặng Hoài Thanh, người bạn đầu tiên đã đưa lại cho ta cái hương vị say nồng của cuộc đời và của văn chương.

THẾ LỮ : Mấy vần thơ ( 1935 )


MẤY VẦN THƠ - Thơ Thế Lữ ( 1935 )
Thế Lữ (10/6/1907 – 3/6/1989) tên khai sinh ban đầu là Nguyễn Đình Lễ, do là con thứ nên đổi thành Nguyễn Thứ Lễ, là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hoá và Ngày nay. Thời kỳ đầu ông dùng bút danh Nguyễn Thế Lữ, sau viết gọn thành Thế Lữ. Đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành “Lê Ngã”, “ta” cũng tức là “ngã”.

Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-1977). Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hoá nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.

Tác phẩm chính:
Mấy vần thơ (thơ, 1935)
Vàng và máu (truyện, 1934)
Bên đường thiên lôi (tập truyện ngắn, 1936)
Gói thuốc lá (1940)
Gió trăng ngàn (truyện, 1941)
Trại Bồ Tùng Linh (truyện, 1941)
Thoa (truyện, 1943)
Tuyển tập thơ Thế Lữ (1983)
Mấy vần thơ ( 1935 )- Thé Lữ
NHỚ RỪNG
(Lời con hổ ở vườn Bách thú)
Tặng Nguyễn Tường Tam


Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

          *

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

1936

TIẾNG GỌI BÊN SÔNG
(Lời chinh phu)
Tặng Khái Hưng

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

THƠ HUY CẬN : VŨ TRỤ CA ( 1942 )


VŨ TRỤ CA – CÙ HUY CÂN ( 1942 )

ÁO XUÂN
Sớm nay khoác áo màu vô định
Ra gặp mùa xuân đến giữa đàng
Lá biếc đưa thoi xuyên vĩnh viễn
Gió là sời thắm của thời gian. 

Ta vận tấm xuân đi hớn hở
Tâm tư ngào ngạt hiến dâng đời
Thân cũng hát lừng cao nhịp lửa
Hoa thiên thu hẹn nở cùng môi. 

Lòng chim gieo sáng vệt vân sa
Trên bước đường xuân trở lại nhà.
Mở sách chép rằng: Vui một sáng
Nghìn năm còn mãi tấm lòng ta.

CẢM THÔNG
Trùng quan mây trắng thao thao
Non xanh bất tuyệt, thương sao tấm lòng
Thái bình sông núi cảm thông
Cho người tơ tưởng miền trong cõi ngoài
Xa nhau mười mấy tỉnh dài
Mơ màng suốt xứ, đêm ngày nhớ nhung
Tâm tình một nẻo quê chung
Người về cố quận, muôn trùng ta đi
Gặp rồi phút chốc chia ly
Mắt người đẹp ấy hồn quê dõi đường
Tiếng người ấy tiếng cố hương
Giọng người ấy tiếng tình thương đất nhà
Biệt ly lọ phải quan hà,
Sân ga trông nuối cũng là tương tư.

1940

CÂY LÚA
Mơn mởn đời ươm hoa trái non
Cho tôi chăm bón. Đến mùa hồn
Thì tôi sẽ chết như cây lúa
Đầu ngả mang đầy hạt dẻo ngon

1942

THƠ HUY CẬN : LỬA THIÊNG (1940)


LỬA THIÊNG - THƠ CÙ HUY CẬN ( 1940 )
Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Dương Sơn, Hà Tĩnh, mất ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội. Trước khi mất ông sống tại Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.

Trước cách mạng tháng Tám, Huy Cận đi học (Tú tài, Cao đẳng Nông Lâm...) và hoạt động Văn học. Từ đầu năm 1942, vừa học Nông Lâm vừa tham gia hoạt động bí mật và làm thơ, viết văn. Cuối tháng 7-1945, tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào uỷ ban dân tộc giải phóng toàn quốc (sau mở rộng thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) và vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Là Bộ trưởng Canh nông và Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm Thời. Từ 5-11 năm 1946 là Thứ trưởng Bộ Nội Vụ. Trong kháng chiến chống Pháp là Thứ trưởng Bộ Canh nông (12-1946 đến 7-1947) rồi Thứ trưởng Bộ Kinh tế (1947-1949). Từ 1949 đến 1955: Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ. Từ 1955 đến 1984: Thứ trưởng Bộ Văn hoá; Từ tháng 9-1984: Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Hiện là Phó chủ tịch uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhà thơ còn là Đại biểu Quốc hội khoá 1, 2 và 7. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I-1996).

Tác phẩm:
- Thơ: Lửa thiêng (1940); Vũ trụ ca (1942); Trời mỗi ngày lại sáng (1958); Đất nở hoa (1960); Bài thơ của đời (1963); Hai bàn tay em (1967); Phù Đổng Thiên Vương (1968); Những năm 60 (1968); Cô gái Mèo (1972); Thiếu niên anh hùng họp mặt (1973); Chiến trường gần chiến trường xa (1973); Những người mẹ, những người vợ (1974); Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975); Sơn Tinh, Thuỷ Tinh (1976); Ngôi nhà giữa nắng (1978); Hạt lại gieo (1984); Tuyển tập Huy Cận tập I (1986); Chim làm ra gió (1991); Tào Phùng (1993); Thơ tình Huy Cận (1994); Marées de la Mer orientale Paris (1994); Tuyển tập Huy Cận II (1995); Thiên việt lương việt lãng (Bắc Kinh, 1959); Messages stellaires et terrestres (Canada, 1996); Thơ Huy Cận (1996).
- Văn: Tâm sự gái già (1940); Kinh cầu tự (1942); Suy nghĩ về nghệ thuật (1980 - 1982); Culture et politique république socialiste du Việt Nam. Paris (1985); Một cuộc cách mạng trong thi ca (chủ biên cùng Hà Minh Đức, 1993); Suy nghĩ về bản sắc dân tộc (1994); Các vùng văn hoá Việt Nam (chủ biên cùng Đinh Gia Khán, 1995); Culture Vietnamienne (traditionnelle et contemporaine, 1997).

TẬP LỬA THIÊNG ( 1940 )

ÁO TRẮNG
Tặng Nhất Linh

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.

Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời;
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.

Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

BI CA
Hỡi mây trắng phất phơ màu gió cũ 
Nước buồn ôi! còn lại bến sơ xưa 
Cho ta gởi vọng xuôi về quá khứ 
Đôi chút sầu tư nước đẩy, mây đưa 

Buồn đã lại khi bắt đầu yêu mến 
Lòng mê say ngay từ thuở mê tình 
Vì ta đợi cho nên người chẳng đến 
Người xa ta, xa từ thuở sơ sinh 

Trời buổi ấy ở trong thời tình tự 
Xuân muôn năm tơ mởn cỏ bên đường 
Người thì đẹp mà lòng ta mới nở 
Gió mơn ru và mây giục yêu đương 

Hoa nắng rải ở trên màu tóc đượm 
Áo lùa bay thấy thoáng lá chen hơi 
Lòng non dại đã hoá thành chiếc bướm 
Cánh bâng khuâng bay tới đậu bên ngoài 

Ta cầu khẩn như một lòng tín mộ 
Nhạc tím ngây phấp phới tiếng trăm chuông 
Hồn lưu lạc chưa hề thờ một chúa 
Yêu một người ta dâng cả tình thương 

Nhưng chân đẹp vội rẽ đường trăm lối 
Gió bay qua thôi đưa tiếng cười chào 
Rồi một bữa đứng chờ người chẳng tới 
Ta thấy buồn cùng mọc với trăng sao 

Bóng đêm toả không lấp niềm thương nhớ 
Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài 
Ta đã để hồn tan trong tiếng thở 
Kêu gọi người đưa tin nỗi tàn phai 

Hỡi mây trắng, hỡi nước buồn, gió cũ 
Sao chiều nay ảo não vị sơ xưa 
Lòng ta nữa, cũng trở về một chỗ 
Trong nổi đau thương vương tự bao giờ

BÌNH YÊN

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

MÂY – VŨ HOÀNG CHƯƠNG ( 1943 )


CẢM THÔNG
       Tri ngã dả, kỳ tại thanh lâm hắc tái giang hồ
(Bồ Tùng Linh)


Đã lâu trăng cứ tuần trăng sáng 
Hoa cứ mùa hoa dậy sắc hương 
Phai, thắm, đầy, vơi, hờ hững nhịp;
Vô tình lui tới lớp tang thương 

Triều đại hưng vong, đều tiếng cuốc
Duyên tình quên nhớ, giỡn hoàng ly 
Trắng đen thề nguyện, trầm lên vút 
Cao thấp sầu vui, phẳng trúc ly.

Ai thấy não nề trên lá thắm 
Buồn ai cung nữ lạnh chia phôi?
Nào ai linh cảm màu sông trắng 
Hận kẻ ôm thuyền khóc lứa đôi?

Khi thiêng chừng sớm lìa nhân thế
Dương thịnh rồi chăng? Âm đã suy?
Quạnh quẽ thu phần thơ bặt tiếng,
Lầu hoang chìm cỏ dấu bồ ly.

Còn đâu thuở ấy niềm khăng khít!
Quỷ với người chung một mái nhà,
Trăng bạn, hoa em, trầm mối lái,
Đèn khuya dìu dặt bóng yêu ma.

Dăm ngã thư sinh vừa lạc đệ,
Mươi nàng xuân nữ sớm chìm châu,
Cảm thông một phút bừng ân ái,
Miếu nguyệt vườn sương gặp gỡ nhau.

Âm Dương kề sát đôi bờ suối,
Vạn dịp cầu tơ chắp ý duyên
Xao xuyến muôn loài thơm nhạc sống 
Gỗ nào danh sĩ? đá, thuyền quyên?

Tương tư có nghĩa gì non ải?
Gác trọ buồng khuê một nỗi bàn 
Trang sách chập chờn, run lửa nến,
Hài thêu nâng gọi, ngắn không gian.

Hỡi ơi! dâu bể mòn thương nhớ 
Gỗ đá còn trơ gỗ đá thôi!
Lớp lớp biên cương, tình chật hẹp,
Mùa xưa thông cảm đã qua rồi.

Qua rồi thuở ấy tình sâu nặng 
Trăng mới cuồng si nụ bán khai
Ta nhớ tiền thân, phòng lại ngỏ...
Giấc bồ thơm tóc gái Liêu Trai.

ĐẬM NHẠT
Da thịt đìu hiu rợp bóng mây.
Sương lam mờ cỏ gió vàng cây
Song sa nắng xế dần ân ái,
Lạnh cả mùa xưa nguyệt mái Tây.

Nẻo ngắt chiêm bao: nhịp rụng đều:
Tâm tư ngờ chạm bước hài thêu,
Tiền thân nửa gối, vường mưa lá,
Vết cũ phong sầu đậm nhạt rêu.

Tình chủng bơ vơ, độc viễn hành.
Nàng Thôi thôi đã...! Hết Oanh Oanh!
Gót sen chùa cổ đêm trăng ấy
Vọng thấu luân hồi nhạc mỏng manh.

Mùa nhớ thương sang, mộng nõn nà,
Tình anh nghìn kiếp thoáng dư ba,
Hồn ai xác mới nghe thoi thóp 
Vang bóng hài xiêm chuyển thớ da.

XEM TRUYỆN QUỶ
Ngõ nhớ hoa vàng gác nhớ trăng 
Chiêm bao giợn tuyết gối ngờ băng 
Sương vây bể xám lòng hoang đảo 
Nằm hấng thơ mưa độc vận bằng 
Phới gót mùa say về ẩn hiện 
Giữa đôi hàng chữ sách Khiêu Đăng 
Xôn xao vò nậm bừng hương cúc 
Thu nhập hồn men cựa đó chăng

NỬA TRUYỆN HỒ LY

THƠ SAY - Vũ Hoàng Chương ( 1940 )


Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5 tháng 5 năm 1916 tại Nam Định. Chánh quán của ông ở làng Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ ông theo học Albert Sarrault ở Hà Nội, đỗ tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào trường Luật nhưng chỉ được một năm thì lại bỏ đi làm Phó kiểm soát Sở hoả xa Đông Dương. Năm 1941 ông bỏ Sở hoả xa đi học toán tại Hà Nội, rồi bỏ dở để đi dậy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng viết thơ, viết kịch. Năm 1954, Vũ Hoàng Chương vào Sài Gòn, tiếp tục sáng tác không ngừng cho đến khi ông mất vào tháng 10 năm 1975.

Thơ ông hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc nét Đông Phương dù ông lớn lên giữa cao trào Thơ Mới. Thơ của ông được đánh giá là “tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc”.

Tác phẩm tiêu biểu:
Thơ say (1940)
Mây (1943)
Tâm sự kẻ sang Tần (1961)
Lửa từ bi (1963)
Ta đợi em từ ba mươi năm (1970)
Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (1973)
Trương Chi (kịch thơ, 1944)

SAY ĐI EM
Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương...
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu thương
Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ
          Ánh đèn tha thướt
          Lưng mềm não nuột dáng tơ
          Hàng chân lả lướt
          Đê mê hồn gửi cánh tay hờ
          Âm ba gờn gợn nhỏ
          Ánh sáng phai phai dần...
Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân
          Lui đôi vai, tiến đôi chân
          Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê ly chưa cùng trời Phóng đãng
Còn chưa say hồn khát vẫn thèm men
          Say đi em! Say đi em!
          Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! và quên, quên hết!
          Ta quá say rồi
          Sắc ngả màu trôi...
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
          Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
          Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
          Say không còn biết chi đời
          Nhưng em ơi
          Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt 
thành Sầu chưa sụp đổ
          Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

Trong bản in đầu tiên (1940), bài thơ này có tên Mời say.

ĐÀ GIANG

ĐIÊU TÀN ( 1937 )- Chế Lan Viên


Đề tựa

Hàn mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tỉnh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói. Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tuỷ là tuỷ. Thế mà có người tự cho là hiểu được nó, rồi đem nó so sánh với Người, và chê nó là giả dối không chân thật. Vâng! Nó không chân thật, nó giả dối đối với Người. Với nó, cái gì nó nói đều có cả.

***
Thấy dòng sông Linh quằn quại trong thơ tôi, thấy người Dũng Sĩ vùng vẫy trong sách tôi, người ta hỏi: sông Linh ở đâu? Người Dũng Sĩ ăn mặc như thế nào?

Hãy nghĩ lại! Có ai thấy, vào buổi chiều, rụng ở trong Tháp một viên gạch cũ mà hỏi: Viên gạch ấy chu vi, diện tích bao nhiêu? Đúc từ đời nào? Ở đâu? Bởi ai? Và để làm gì?

***
Điêu Tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu mến của tôi đâu? Kìa kìa nó đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương rạn vỡ dội thấu đáy hồn tôi.

***
Đọc tập ĐIÊU TÀN này xong, nếu lòng anh vẫn dửng dưng không có lấy một cơn sóng gió thì xin anh hãy cầu khẩn tất cả những gì Thiêng Liêng, những gì Cao Cả tha tội cho phạm nhân là tôi đây. Nếu, khi sách đọc xong mà cái Buồn, cái Chán, cái Hãi hùng cũng ùa nhau đến bọc lấy hồn anh, làm cho anh phải cư­ời, phải gào, phải khóc, thì xin anh chớ hẹp hòi gì mà cười cho mênh mang, gào cho vỡ cổ, khóc cho hả hê, rồi gửi cái cười, cái gào, cái khóc ấy cho không trung. Tôi nằm ngủ ở trong sao, nghe được, tung mây ngồi dậy, vồ lấy cái quà quí báu ấy rồi say sưa, rồi ngây ngất, rồi điên cuồng vỗ lên đầu sao Khuê, sao Đẩu, lên cả Nguyệt Cầu mà bảo chúng nó rằng:

- Ha, ha! bay ôi! Loài người thành thi sĩ như ta cả rồi.

***
Và vênh vang, kiêu ngạo, ta lấy mây làm bút, lấy trăng làm mực đề lên nền trời xanh:
"Trong thơ ta dân Chàm luôn sống mãi
Trong thơ ta xương máu khóc không thôi"


Viết ở Tháp Đồ Bàn
một đêm thu đầy trăng
           CHẾ LAN VIÊN

CÁI SỌ NGƯỜI
Này chiếc sọ người kia, mi hỡi!
Dưới làn xương mỏng mảnh của đầu mi
Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối?
Mi trông mong ao ước những điều chi?

Mi nhớ đến cảnh pháp trường ghê rợn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?
Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn
Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi?

Có tìm chăng, những chiều không tiếng gió
Của người mi thi thể rữa tan rồi?
Có tưởng lại mảnh hồn mi đau khổ
Đang lạc loài trong Cõi Chết xa xôi?

Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại
Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta!
Để những giọt máu đào còn đọng lại
Theo hồn ta, tuôn chảy những lời thơ

Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ!
Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô!
Để nếm lại cả một 
thời xưa cũ
Cả một dòng năm tháng đã trôi xa!

NHỮNG SỢI TƠ LÒNG
Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa
Với tháng ngày biền biệt đuổi nhau trôi
Xuân đừng về! Hè đừng gieo ánh lửa!
Thu thôi sang! Ðông thôi lại não lòng tôi!

Quả đất chuyển giây lòng tôi rung động
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi Hư Vô!
Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ!

Lửa hè đến! Nỗi căm hờn vang dậy!
Gió thu sang thấu lạnh cả hồn thơ!
Chiều đông tàn, như mai xuân lộng lẫy
Chỉ nói thêm sầu khổ với ưu tư!

Tạo hoá hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm quốc!
Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian!
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt!
Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn!

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!

MỘNG

THƠ Sau điêu tàn ( 1937-1947)-Chế Lam Viên


ÁNH SÁNG
Cả trời đất đêm nay tràn ánh sáng
Bên Chiêm nương ta say uống nguồn mơ
Miệng đầy trăng khôn cất một lời thơ
Mắt đầy ánh sao sa khôn thể nhắm
Tai đầy tiếng ái ân lời say đắm
Cũng không nghe tiếng động của trần gian
Mũi đầy hương xa lạ xứ Hoa Trăng
Ngăn hơi thở. Trí thơ ngây đầy mộng
Cũng khôn gieo lấy một vài ý tưởng

Có ai không trên tận đảo mây trôi?
Quăng xuống đây dải lụa, hỡi ai ơi!
Để mau đem hồn ta đi cõi khác!

Trời thăm thẳm! Lời vang không tiếng đáp!

(Phù Cát 4-8-1937)

BIỂN CẢ
Cây cỏ thờ ơ! Phố phường ngao ngán
Ôi trên tràng! Những lối đi đã quen
Mây ngán trời cao! Tường gay nắng sáng
Đời khắt khe im vằng lá hoa sen

Xin hãy xót thương cho hồn trẻ dại
Khi Người về làm cháy khát bên song
Cả lòng ta, ngươi nói trong vĩ đại
Của lòng ngươi - Ôi Biển cả mênh mông

Ôi, Biển thanh niên, vững già vạn tuổi
Sáng chân trời, nguyên vẹn mặt đơn sơ
Muối, ngươi rót, say đầu không khí chói
Đất ngươi theo, ca những giọng không ngờ

Ngươi có thấy như ta dòng cay đắng
Trong Chén Xanh dừng tỉnh trước môi cau
Không gian ban từng hớp dài im lặng
Trên một lòng thức tỉnh giữa thương đau

Hy vọng! Nghi ngờ! Điền cuồng! Cảm hứng!
Biền nằm nghe thổn thức giữa tâm can
Không trước, sau của những chiều thẳng đứng
Mặt muôn đời im phẳng bóng thơ
Trang!

Ôi Trang xôn xao! Ôi Trang ngời chói!
Những hoan hô khi ngươi thấy cao siêu
Những non nước người chớm đầu đất tối
Những đảo sầu, ngươi bỏ giữa cô liêu

Ôi biển không cùng!
Ta ghê tiếng sóng
Xin im đi! Từng vút gió chơi vơi!
Khi cành lẻ. Người buông qua biển rộng
Ta, đầu cành, sáng nắng, quả ngon tươi

Ôi thương thay những người con lạc Biển
Trưa bâng khuâng chừng Mẹ gọi ngang đầu
Mắt trông lên: suốt một trời ảo huyễn
Khóc giữa lòng trong trắng của Châu cao

Bình Định, 14-7-1940

CHẾT GIỮA MÙA XUÂN

GỬI BÁC TRỌNG


Thái Bá Tân
Dẫu sao, tôi và bác
Tuổi gần đất xa trời.
Cũng ít nhiều có học,
Cơ bản hiểu sự đời.

Chỉ riêng tư, thân mật,
Ta trao đổi với nhau.
Xin phép hỏi thật bác
Mấy câu hỏi như sau.

Một, tổng bí thư đảng,
Bác cứ nói thật lòng,
Trong thâm tâm, nay bác
Còn tin cộng sản không?

Bác, giáo sư, tiến sĩ,
Đi nhiều, đọc cũng nhiều
Nên không thể không biết
Cộng sản là giáo điều.

Hai, nước ta theo bác,
Cả xưa và cả nay,
Có thực sự dân chủ,
Thậm chí hơn thằng Tây?

Ghen tị với hàng xóm
Không đói khổ, binh đao.
Nếu không có cộng sản,
Việt Nam sẽ thế nào?

Ba, và câu hỏi cuối -
Như hiện tình hôm nay,
Bác có nghĩ đến lúc
Cần phải có đổi thay?
Tôi, người dân, bất lực,
Nhưng với bác thì không.
Vậy mong bác hành động
Vì đất nước, non sông.
*
Sắp tới bác đi Mỹ.
Toàn dân đang mong chờ.
Giờ là lúc quyết định,
Hoặc là không bao giờ.

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Tiếng Việt


Lưu Quang Vũ

"Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Vè tả cảnh





Nhìn vào ảnh là quán ăn hè phố
Trên mặt bàn đầy gà, ốc… bon chen
Em bé đứng bán hàng rong bưng rổ
Trông nghèo hèn như những bọc ny lông
Em bé ngồi an toàn trong chiếc ghế
Bụ bẩm chào hàng tài sản Smartphone
Tuy bốn mắt cùng nhìn về một hướng
Nhưng thiên đường và địa ngục hai nơi
Tiền hậu kiếp hiện nguyên hình trước mặt
Khỏi cần thầy bấm độn, chấm tử vi
Xã hội chủ nghĩa Ba Đình là thế đấy!
"Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa".