Nguyễn Dậu
Mỗi năm vào dịp sang thu, tôi lại được mời lên Ba Vì một lần.
Đây là một vùng gò đồi rất đẹp. Hàng ngàn quả đồi nõn nuột cỏ xanh, tròn trịa
như một mâm xôi. Rồi kế đến là vùng đồi dứa, đồi sim, đồi sơn, đồi trẩu. Càng
vào sát chân núi, rừng càng rậm rạp dần, thâm u dần, để trở thành rừng già trùm
lấp những tảng đá nguyên sinh nổi tiếng trên non Tản.
Bạn tôi, thiếu tướng Nguyễn Hồng Quyền đã nghỉ hưu và định cư tại nơi đây.
Trang trại của ông – có thể gọi như vậy – gồm gần hai chục nóc nhà làm bằng gạch
và gỗ, nằm trên một trái đồi hình yên ngựa, xung quanh có hai ba dòng suối nhỏ
uốn lượn vây bọc. Xa hơn nữa, một dòng sông mênh mang đỏ rực phù sa, đang cuồn
cuộn chảy xuôi, mất hút vào giữa những eo núi hẻo lánh.
Thật ra mảnh đất này không phải là đất tổ của Quyền. Năm 1948 chúng tôi có dịp
chiến đấu chống Pháp ở đây. Rồi tới năm 1953 lại một phen nữa, đơn vị chúng tôi
nhận nhiệm vụ phá bung hành lang trung du của địch mở lối thông thoát ở miền đồng
bằng lên Việt Bắc, qua nẻo Hòa Bình, Sơn Tây, Phúc Thọ. Trong một tối lửa trại
liên hoan quân dân, trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Quyền được một cô gái xinh đẹp
nhất vùng Bất Bạt say đắm. Ở anh có nét điển xảo của trai Hà Nội, có tư thế
hiên ngang, có ngựa hồng, côn-bát là hình ảnh “trai thời loạn” rất dễ làm xao
xuyến những trái tim thiếu nữ thời bấy giờ. Họ thành vợ thành chồng. Con cái của
họ giờ đã khôn lớn, hầu hết đi công tác ở nơi xa. Cố nhiên họ đã nên ông nên
bà, và có một đàn cháu nội cháu ngoại khá đông đúc.
Thiếu tướng là một con người sởi lởi, hào phóng, chí tình chí cốt với họ hàng
và bầu bạn. Nhưng ông mắc bệnh gia trưởng quân phiệt một cách nặng nề. Ông yêu
thương mọi chiến sĩ, nhưng cậu nào bướng bỉnh, ông cho đi an dưỡng hoặc cho
thuyên chuyển tới đơn vị khác không thương tiếc. Ông đùm bọc họ hàng đến hết
mình, nhưng chớ nên để ông phật ý. Chỉ một giận dữ nhỏ, ông thù ghét rất lâu,
thậm chí đáng buồn là ông ghét họ suốt đời.
Như nhiều người khác, ông cũng mắc bệnh nghề nghiệp. Nghĩa là ông ưa mọi ý muốn
của ông phải được chấp hành, mọi rắp tâm phải được thực hiện. Bởi vậy, con dâu
về ở cạnh ông đã đành. Con rể cũng phải về ở cạnh ông nữa. Rồi dần dần, một số
con cháu trong họ cũng thiên cư đến đây quây quần cùng ông, cho “tre ấm bụi”.
Không cần phải khéo léo cho lắm, ở cương vị ấy, người ta dễ dàng “ngói hóa” cho
cả xóm. Thế là cái xóm nhỏ gồm toàn con cháu của ông, trở thành trang trại. Sau
khi về hưu thì vị thiếu tướng nghiễm nhiên trở thành chòm chóp của trang trại
này.
Mới sáu mươi hai, thiếu tướng còn trẻ khỏe hơn tuổi tác. Ông cao lớn đẫy đà hồng
hào, dáng đi mạnh mẽ, giọng nói oang oang, tiếng cười rồ rộ, tràn trề sức sống.
Tuy đầu óc ông không còn thích nghi với một đơn vị chính quy hiện đại nữa, song
ông quá thừa năng lực điều khiển việc sản xuất kinh doanh của trang trại, để
cho nó ngày một phồn vinh sung túc.
Ngoài công việc điều hành trang trại, thiếu tướng đặc biệt ham thích săn bắn,
câu cá, cờ tướng. Đôi khi, cao hứng lên, ông cũng làm thơ. Những bài thơ Đường
luật, lổn nhổn những từ ngữ xửa xưa: sơn hà, tráng sĩ, vung gươm, thôn nữ cửi
canh, chinh phụ, bồi hồi v.v…
Bởi tôi cũng thành thạo vài ngón như bắn súng, câu cá và ham cờ, nên vừa là niềm
vui vừa là tai họa, mỗi năm ông bạn già ấy lại “buộc” tôi phải lên chơi với ông
một lần, thậm chí, ông có lúc còn chèo kéo tôi lên định cư hẳn cùng ông, làm
quân sư quạt mo cho ông trên một số lĩnh vực.
Lần này, Nguyễn Hồng Quyền xuống tận Bất Bạt để đón tôi. Thiếu tướng không dùng
xe máy “Ban căng” như mọi lần. Thay vào đó, ông cưỡi một con ngựa trắng đực tơ,
bốn vó khá dài. Trên tay ông dong theo dây cương một con ngựa hồng cái, có bộ
lông rất mượt, có cặp mắt màu vàng chanh, và bộ lông bờm màu hồng thật không gọt
xén. Trao cương ngựa cho tôi, ông vừa vỗ về con Hồng, vừa nhìn tôi cười ha hả: