Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Thông Điệp Hôm Nay ( thơ )


TRẺ KHÔNG CẦN HỌC GIỎI
Trẻ không cần học giỏi
Để còn có thời gian
Đọc sách và đá bóng,
Đi chơi và tập đàn...
Nhưng điều quan trọng nhất,
Là giúp đỡ mẹ cha
Làm những việc vặt vãnh
Như rửa bát, quét nhà.
Điều này quan trọng lắm.
Quan trọng hơn tiếng Anh
Lao động là nền tảng
Để trẻ em trưởng thành.
Không quan trọng điểm số,
Lại càng không bằng khen.
Quan trọng là nhân cách
Và cái tâm hướng thiền;
Là nghị lực, trách nhiệm,
Là tình thương, tình yêu
Và suy nghĩ độc lập,
Không rập khuôn, giáo điều.

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

THƯ NGỎ CỦA LÃO TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH




Hiện nay tôi đã già lắm rồi, nhưng vẫn cố gắng theo dõi những việc chính của đất nước.
Ngày 15/10 (2019) vừa qua, Đài truyền hình trung ương đưa lên buổi tiếp xúc cử tri của ông Phú Trọng ở Hà Nội.
Trước tình hình nước sôi lửa bỏng do Trung Quốc lại xâm phạm vùng biển nước ta mấy tháng qua, thế mà ông Trọng và một số cử tri quen mặt vẫn nói một giọng lập lờ như bao nhiêu năm trước.
Tôi thấy quá buồn.
Gần đây tôi cũng đã xem một số hình ảnh của cuộc tọa đàm về bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế, ngày 6/10/2019. Tôi thấy anh chị em nói rất hay, nhiều phát biểu có nghiên cứu, có tính toán, đưa ra ý kiến xây dựng.
Ý kiến của Anh hùng Lê Mã Lương, tuy có chút gây sốc, nhưng cũng là một ý kiến rõ ràng, mạnh mẽ về việc phải kiên quyết giữ được bãi Tư Chính. Trước hết phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Tôi cũng nghe ý kiến ông Phú Trọng nói về cuộc tọa đàm vừa qua. Ông có vẻ khó chịu, mỉa mai chì chiết tiếng nói yêu nước của nhiều người dân (mà đó là các công dân đã từng đóng góp công sức trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và chưa hề bị tước quyền công dân). Ông Trọng nói họ là “một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước” (!).
Vậy là ông đã quên lời dạy của CT Hồ Chí Minh, rằng: “Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước”?
Đã thế, ông cũng lên gân, vỗ ngực: “Vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à?”
Cung cách của ông tôi thấy sao mà giống như đôi co giữa chợ, chả giống phong cách chính khách tí nào!
Thiết nghĩ, là người đứng đầu bộ máy, chắc ông Trọng phải có đủ thông tin về âm mưu, thủ đoạn, mục tiêu, biện pháp của bọn Tàu từ xưa tới nay đối với nước Việt ta, đặc biệt là trong mấy tháng qua ở bãi Tư Chính.
Tình hình đang rất nguy ngập và cấp bách, vậy mà khi khai mạc Hội nghị trung ương 11 vừa qua, ông vẫn nói phải “phân tích, dự báo tình hình”? Thật quá bức xúc trước thái độ như thế. Giống như bàng quan, thờ ơ vậy.
Hội nghị trung ương đã không ra nổi một nghị quyết kịp thời, dứt khoát để đối phó với tình hình đang cấp bách ở Biển Đông, mà còn cứ nhai lại khái niệm “thời kỳ quá độ”? Để làm gì? Để đánh lạc hướng dư luận, để câu giờ, để ngụy biện cho sự trốn tránh trách nhiệm hay sao?
Theo tôi, ông Trọng viện lý do phải “khôn khéo”, thực chất có phải đang bế tắc khi tìm giải pháp? (Hay ông có tư tưởng đầu hàng?)
Hiện nay đang có nhiều nước trên thế giới ủng hộ ta kiện Trung Quốc vì ta có chính nghĩa, và pháp lý đứng về phía Việt Nam.
Hơn nữa, tại sao ông không tìm giải pháp ngay trong những ý tưởng, giải pháp đã nêu ra trong cuộc tọa đàm khoa học về vùng biển Tư Chính và Luật pháp quốc tế ngày 6/10 vừa qua?
Vả lại, ngay các cơ quan chính thống của Đảng, Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ căn cứ, chứng lý về chủ quyền ở Biển Đông. Vậy còn trở ngại gì mà không đưa đơn kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế?
Hà Nội ngày 18/10/2019
NGUYỄN TRỌNG VĨNH


Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

CON CHÓ TRUNG THÀNH

Hồi tôi mới độ 15 tuổi, bố tôi mang về một con chó đực. Con chó có bộ lông trắng, đôi mắt màu nâu đen rất đẹp. Năm đó mất mùa đói kém, gia đình tôi phải thường xuyên ăn độn khoai sắn. Lạ lùng thay, con chó này cứ lớn phổng phao, mượt mà. Nó phải nặng đến 15kg. Cũng như nhiều gia đình khác, những con chó nuôi đều không được đặt tên. Nó là loài vật, nên vô danh ! Mỗi lần muốn gọi, chỉ cần: “Êu, Êu” là nó xuất hiện, ve vẩy đuôi, miệng rít lên những tiếng như tiếng rên, rất dễ thương ! Thường ngày, khi không có ai cần đến, nó nằm khoanh tròn trong gậm giường, đầu hướng ra phía cửa. Có khách lạ, nó sủa lên vài tiếng báo hiệu. Còn là người quen thân, nó vùng dậy, xông ra, vẫy đuôi rối rít và kêu lên mừng rỡ.
Từ ngày mua được con chó này, nhà tôi như được bình an hơn. Cha tôi quý con chó lắm. Mùa đông giá rét, ông lấy một chiếc bao tải quấn quanh mình, giữ ấm cho nó.. Những ngày hè nóng nực, ông mang nó ra ao tắm cho sạch lông. Nhà tôi nghèo như thế, vậy mà đôi khi ông vẫn đi đâu đó tìm được một khúc xương mang về cho nó gặm. Con chó rất quyến luyến cha tôi, suốt ngày luẩn quẩn bên ông.
Một hôm có hai người khách lạ đến nhà tôi hỏi mua chó. Họ nói, họ ở làng bên cạnh, cách làng tôi một cánh đồng. Ngày mai gia đình họ có đám giỗ, cần một con chó để thịt! Cha tôi nghe vậy không muốn bán, nhưng gia cảnh nhà tôi lúc đó rất nghèo. Cả cha mẹ và bốn anh em tôi, mặc dù bữa ăn phải độn nhiều khoai sắn nhưng không ngày nào thật sự được ăn no. Mẹ tôi bàn với cha tôi lâu lắm. Nếu tiếp tục nuôi thì không còn gì để cho nó ăn, dù rằng con chó vô cùng dễ ăn. Nó có thể ăn vài cọng rau thừa, dăm bảy cái vỏ khoai lang, mấy cái xương lõi sắn, vài hạt cơm rơi vãi quanh mâm hoặc bất cứ cái gì có thể ăn được mà con người cho phép. Tuy nhiên, nuôi nó cũng như thêm một miệng ăn nữa. “Người chẳng có mà ăn, lấy đâu ra cơm nuôi nó mãi ?” – Mẹ tôi bảo thế.
Có một điều rất lạ là khi cả cha và mẹ tôi miễn cưỡng đồng ý bán con chó, thì tự nhiên nó chạy biến đi đâu mất! Không lẽ con chó này hiểu được tiếng người ? Chúng tôi chia nhau đi tìm mọi xó xỉnh, xung quanh nhà, thậm chí sang cả nhà hàng xóm, nhưng bặt vô âm tín. Cho đến khi cha tôi nước mắt lưng tròng, lên tiếng gọi, thì từ trong đống rơm ở phía sau chuồng lợn nó chui ra ! Người ta lấy cái chày giã gạo chẹn cổ nó xuống, trói mõm và bốn chân nó lại. Con chó tội nghiệp kêu rên ư ử, hai mép nó sùi bọt. Cha tôi ôm lấy nó, khóc. Nhìn bộ dạng cha tôi, thương lắm. Tôi liên tưởng đến lão Hạc, một nhân vật của nhà văn Nam Cao khi phải bán cậu Vàng !…

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

NIỀM KIÊU HÃNH CỦA NGƯỜI VIỆT


Có một câu chuyện đã được Giáo sư TRẦN VĂN KHÊ kể lại nhiều lần cho các học trò của mình, và cũng được ông ghi lại trong cuốn hồi ký, kể về cuộc tranh luận bên lề buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản tại Paris vào năm 1964…
Tham dự buổi sinh hoạt này hầu hết là người Nhật và Pháp, duy chỉ có Giáo sư là người Việt. Diễn giả hôm ấy là một cựu Đề đốc Thủy sư người Pháp. Ông khởi đầu buổi nói chuyện như thế này:
“Thưa quý vị, tôi là Thủy sư đề đốc, đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy cả một rừng văn học. Và trong khu rừng ấy, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp. Trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Chỉ 31 âm tiết mà nói bao nhiêu chuyện sâu sắc, đậm đà. Nội hai điều đó thôi đã thấy các nước khác không dễ có được.”
Lời phát biểu đã chạm đến lòng tự trọng dân tộc của Giáo sư Trần Văn Khê. Chính vì thế, khi buổi nói chuyện bước vào phần giao lưu, Giáo sư đã đứng dậy xin phép phát biểu:
“Tôi không phải là người nghiên cứu văn học, tôi là Giáo sư nghiên cứu âm nhạc, là thành viên hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO. Trong lời mở đầu phần nói chuyện, ông Thủy sư Đề đốc nói rằng đã ở Việt Nam hai mươi năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên. Thưa ngài, chẳng biết khi ngài qua nước Việt, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của Việt Nam?
Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời, hút xách… Phải chi ngài chơi với Giáo sư Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam, in trên Tạp chí Viễn Đông bác cổ của Pháp số 1 năm 1934. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì ngài sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông Durand đã cất công sưu tập… Ông còn hiểu biết về nghệ thuật chầu văn, ông còn xuất bản sách ghi lại các sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng ngàn áng văn kiệt tác.

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Một câu chuyện thật cảm động

Sau khi bố tôi mất được ba năm, ông ấy đã đến nhà tôi. So với người cha của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến.
Nhưng mà, người mẹ ngoài 50 tuổi của tôi cần có một người bầu bạn, mà yêu cầu của người già đã ngoài 50 đối với một nửa kia chỉ cần phẩm cách tốt là được rồi.
Về mặt này ông ấy có đủ điều kiện, bởi ông là người tốt nổi tiếng gần xa, là người thật thà chất phác. Cái hôm gặp gỡ lần đầu tiên với mẹ tôi, ông rất bối rối.
Bởi ông biết rất rõ rằng mọi phương diện của mình đều không có ưu thế: nhà thì chật hẹp, tiền lương thì ít, ông chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, hơn nữa nhà của cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần đến sự giúp đỡ của ông.
Thật lòng, mẹ tôi cũng chỉ vì nể mặt người mai mối nên mới quyết định đến gặp ông ấy. Và cuối cùng, mẹ đã có thiện cảm với ông ấy bởi tài nghệ nấu nướng của ông.
Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: "Bà Hồng này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta hãy thử quen nhau xem sao, chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!".