Hàn Mặc Tử (1912–1940) tên thật Nguyễn Trọng
Trí, tên thánh là Pierre, sinh ở làng Lệ Mỹ, huyện Đồng Lộc, Tỉnh Đồng Hới (nay
là Quảng Bình) trong một gia đình công giáo nghèo, cha mất sớm. Thuở nhỏ sống
và học tiểu học ở Quy Nhơn, học trung học ở Huế, sau làm ở Sở Đạc Điền, bị thôi
việc vì đau ốm. 1934-1935 theo Thúc Tề vào Sài Gòn làm báo (viết báo Công luận, phụ trách trang văn báo
Sài Gòn), về sau lại trở ra Quy Nhơn. 1936 bị mắc bệnh phong, phải vào nhà
thương Quy Nhơn và qua đời ở đó.
Hàn Mặc Tử làm thơ sớm, 14 tuổi đã làm thơ Đường
luật đăng báo với bút danh Minh Duệ Thị. 1930 đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ
do một thi xã tổ chức. Cùng Chế Lan Viên lập trường thơ Loạn, tuyên ngôn là bài
tựa cho tập Điêu tàn của
Chế Lan Viên. Với các bút danh Phong Trần, Lệ Thanh và cuối cùng là Hàn Mặc Tử,
đăng bài trên các báo Phụ nữ tân
văn, Tiếng dân, Công luận, Tân thời, Đông Dương tạp chí, Người mới, Trong khuê phòng, Sài Gòn, v.v... Sinh thời Hàn Mặc Tử
mới xuất bản được Gái quê (1936).
Thế giới thơ Hàn Mặc Tử khá phức tạp, trong
khoảng hơn 10 năm Hàn Mặc Tử đi từ thơ luật Đường cổ điển qua lãng mạn đến ít
nhiều tượng trưng, siêu thực. Tập Gái
quê và một số bài trong Đau
thương cảm xúc trong trẻo, lời thơ nhẹ nhàng, tứ thơ bình đị, tình
ý nồng nàn rạo rực, nhưng càng về sau này thơ càng kinh dị, huyền bí và đượm
màu sắc tôn giáo. Những đau đớn về thể xác về linh hồn để lại những dấu tích rõ
rệt trong tác phẩm.
ÂM THẦM
Từ gió xuân đi gió hạ
về
Anh thường gởi gắm mối tình quê
Bên em, mỗi lúc trên đường cái
Hóng mát cho lòng được thoả thuê!
Em có ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giãi bóng, mặt hồ êm
Anh đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em
Bên khóm thuỳ dương em thướt tha
Bên này bờ liễu anh trông qua
Say mơ vướng phải mùi hương ướp
Yêu cái môi hường chẳng nói ra
Độ ấy xuân về em lớn lên
Thấy anh em đã biết làm duyên
Nhưng thời gian vẫn trôi đi mãi
Yêu dấu lòng anh ôm hận riêng
BẼN LẼN
Trăng nằm sóng soải
trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi
Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em
Trần Thanh Mại cực tán
bài thơ này như sau: “Chỉ trong mười hai câu đã kết tinh lại biết bao
rung cảm say sưa, mà nhất là biết bao ảo thuật quái dị. Mỗi chữ trong đây đều
có một linh hồn, mỗi chữ là một “hoạt động lực”, nó bắt tay nhau mà nhảy lên
một bản khiêu vũ thần tiên” (Hàn Mặc Tử, in lần thứ nhất, Tân
Việt, Sài Gòn, trang 50).
DUYÊN MUỘN
Từ khi đôi má đỏ hây
hây
Em tập thêu thùa, tập vá may
Chim sáo trước sân bay tới đậu
Em mừng sắp được lấy chồng đây.
Những lượt thu về, em thấy xuân
Trên đối má nõn lại phai dần
Và lòng em chẳng còn nao nức
Như lúc tả ưng lên đốt khói trầm.
Người nói duyên em đã muộn màng
Bởi vì nghèo khó chẳng xênh xang
Nhưng xuân em chín từ năm ngoái
Há hải vì em áo nối quàng.
ĐỜI PHIÊU LÃNG
(Gởi một
gái làng quê tôi)
Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ
Đời anh lưu lạc tự bao giờ
Đi đi... đi mãi nơi vô định
Tìm cái phi thường cái ước mơ
Ở chốn xa xôi em có hay
Nắng mưa đã trải biết bao ngày
Nụ cười ý vị như mai mỉa
Mỉa cái nhân tình lúc đổi thay
Trên đời gió bụi, anh lang thang
Bụng đói như cào lạnh khớp răng
Không có nhà ai cho nghỉ bước
Vì anh là kẻ chẳng giàu sang
Ban đêm anh ngủ túp lều tranh
Chỗ tạm dừng chân khách bộ hành
Đến sáng hôm sau anh cất bước
Ra đi với cái mộng chưa thành
EM LẤY CHỒNG
Ngày mai tôi bỏ làm
thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ.
GÁI QUÊ
Xuân trẻ, xuân non,
xuân lịch sự
Tôi đều nhận thấy trên môi em
Làn môi mong mỏng tươi như máu
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm
Từ lúc tóc em bỏ trái đào
Tới chừng cặp má đỏ au au
Tôi đều nhận thấy trong con mắt
Một vẻ thơ ngây và ước ao
Lớn lên, em đã biết làm duyên
Mỗi lúc gặp tôi che nón nghiêng
Nghe nói ba em chưa chịu nhận
Cau trầu của khách láng giềng bên